Financial Times: Mỹ không đủ tên lửa đạn đạo để cung cấp cho Ukraine
Báo Financial Times của Anh cho biết, Washington cảnh giác và lo ngại rằng việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Ukraine có thể dẫn đến sự leo thang mất kiểm soát với Moscow.
Hôm 20/8, Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, tuyên bố rằng Mỹ đơn giản là không sản xuất đủ tên lửa đạn đạo chiến thuật, loại mà Ukraine đang yêu cầu, để “tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường”.
Ngoài ra, việc chuyển giao cho Ukraine các loại đạn như vậy là hành động có thể dẫn đến sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột với Nga.
Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corporation, nói với các phương tiện truyền thông rằng, việc Ukraine khăng khăng muốn đặt tay vào các tên lửa tầm xa là không đúng chỗ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, những tên lửa như thế này “chẳng có cây đũa thần nào” và khó có thể giải quyết được rào cản là các bãi mìn và tuyến phòng thủ cố thủ của Nga mà lực lượng Kiev đang phải đối mặt.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không gửi vũ khí tới Ukraine, cho rằng làm như vậy, họ chỉ kéo dài cuộc xung đột và cũng đang tham gia vào một “cuộc chiến ủy nhiệm” chống lại Nga.

Hà Lan và Đan Mạch có thể tặng tới 61 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine
The Guardian đưa tin, Hà Lan và Đan Mạch tuyên bố có thể sẽ tặng tới 61 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sau khi quá trình đào tạo phi công hoàn thành, nhân chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới hai nước.
Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết, Đan Mạch sẽ cung cấp 19 tiêm kích F-16 – “hy vọng” 6 chiếc sẽ giao vào cuối năm nay hoặc đầu năm mới, thêm 8 chiếc nữa vào năm 2024 và 5 chiếc còn lại vào năm 2025.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte không đưa ra con số cụ thể bao nhiêu tiêm kích F-16 sẽ được chuyển giao, nhưng ông cho biết Không quân Hà Lan có 42 chiếc máy bay chiến đấu loại này trong biên chế. Nước này đang trong quá trình thay thế F-16 bằng những chiếc F-35 tiên tiến hơn do Mỹ sản xuất.
Tổng thống Zelensky rõ ràng rất hài lòng khi công bố một bức ảnh chụp chung với Thủ tướng Rutte trước một chiếc F-16. Trong các bài đăng trên mạng xã hội, ông nói thêm rằng, đã đạt được thỏa thuận “để tăng cường lá chắn trên không của Ukraine”.

Ukraine tuyên bố phá hủy ba tàu Nga
Newsweek đưa tin, quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy 3 tàu của Nga ở phía nam trong vòng chưa đầy một ngày.
Phát ngôn viên lực lượng miền nam Ukraine Nataliya Humenyuk nói với hãng tin Channel 24 hôm Chủ nhật, 20/8: “Trong ngày qua, thêm ba chiếc tàu nữa đã bị phá hủy”.
Newsweek không thể xác minh điều này một cách độc lập và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email. Nga không bình luận về thông tin do phía Ukraine tuyên bố.
Biển Đen ngày càng trở thành một điểm nóng trong cuộc xung độtkéo dài 18 tháng khi các lực lượng của Ukraine tìm cách phá bỏ các tuyến phòng thủ do Nga xây dựng ở phía nam và phía đông của đất nước.
Moscow đã sử dụng các tàu của mình trong khu vực để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine và ngược lại Kiev liên tiếp tấn công các căn cứ và cơ sở hạ tầng của Hạm đội Biển Đen Nga như những cây cầu nối đất liền với bán đảo Crimea.
Các cuộc tấn công của Nga vào các cảng của Ukraine đã gia tăng kể từ khi Moscow từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian.
Ngày 10/8, Kiev cho biết họ đang thiết lập một “hành lang nhân đạo” ở Biển Đen để cho phép các tàu chủ yếu là dân sự đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine rời khỏi khu vực. Hôm 16/8, một quan chức Ukraine cho biết con tàu đầu tiên đã rời thành phố cảng Odessa qua hành lang này.
Vào ngày 13/8, Bộ Quốc phòng Moscow cho biết họ đã bắn cảnh cáo “bằng vũ khí nhỏ tự động” và đổ bộ lên kiểm tra một con tàu chở hàng.
Sau vụ việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Todor Tagarev cho biết không thể “loại trừ” khả năng các lực lượng Nga và NATO có thể đụng độ ở khu vực Biển Đen.
“Chúng tôi đang làm việc để ngăn chặn điều đó”, ông Tagarev nói với giới truyền thông Bulgari hôm 18/8.
Trong một bản tin cập nhật vào ngày 20/8, hải quân Ukraine cho biết Nga có 5 tàu đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở Biển Đen, một trong số đó mang tới 4 tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển. Nga thường sử dụng những tên lửa này để nhắm vào các thành phố và vị trí của Ukraine dọc Biển Đen.

Ông Zelensky tuyên bố rắn: Chúng tôi sẵn sàng đổi Belgorod của Nga để vào NATO
Pravda đưa tin, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, trả lời câu hỏi về khả năng nhượng bộ lãnh thổ vì lợi ích của Ukraine trong việc trở thành thành viên của NATO, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine sẵn sàng đổi nó lấy thành phố Belgorod của Nga.
Ông Zelensky nói: “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi Belgorod (của Nga) để trở thành thành viên NATO”, hàm ý không chấp nhận từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào. Kiev đặt mục tiêu giành lại các vùng lãnh thổ theo phân định biên giới năm 1991.
Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen lưu ý rằng Ukraine có quyền quyết định có đàm phán hòa bình hay không và khi nào các cuộc đàm phán này nên diễn ra.
Theo ông Zelensky, khó có thể chỉ trích cuộc phản công của Ukraine khi quân đội nước này không có vũ khí thích hợp. Theo ông, Ukraine sẽ không mạo hiểm mạng sống của hàng nghìn quân phòng thủ chỉ để tiến lên 5-8km mà không có vũ khí mạnh.
Trong chuyến thăm Hà Lan, khi bình luận về khả năng đàm phán hòa bình với Liên bang Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã loại trừ khả năng nhượng bộ lãnh thổ Ukraine để lấy bất cứ thứ gì.
Trước đó, ngày 15/8, ông Stian Jenssen, người đứng đầu Văn phòng Tổng thư ký NATO, gợi ý rằng Ukraine có thể gia nhập Liên minh để đổi lấy lãnh thổ của mình. Sau đó, ông Jenssen đã xin lỗi và nói các đề xuất của mình về việc Kiev nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để Ukraine có thể gia nhập NATO là một “sai lầm”.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã bác tuyên bố của ông Jenssen và nhấn mạnh rằng chỉ Ukraine mới có thể quyết định khi nào các điều kiện đàm phán hòa bình xuất hiện và Ukraine là người duy nhất có thể quyết định điều kiện nào được chấp nhận tại bàn đàm phán.

Nga áp sát, Ukraine yêu cầu sơ tán bắt buộc đối với dân thường ở Kupyansk
Theo Reuters, người Ukraine sống ở thành phố Kupyansk phía đông bắc gần biên giới Nga hôm Chủ nhật 20/8 thấy mình bị giằng xé giữa ý chí ở lại và bảo vệ những gì họ đã xây dựng và mong muốn tránh xa khỏi tầm hỏa lực của pháo binh Nga.
“Nếu bạn nói rằng việc sơ tán đang diễn ra tốt đẹp”, Dmytro Lozhenko, người điều hành một nhóm tình nguyện giúp dân thường sơ tán, nói trên truyền hình, “nghe có vẻ hơi mỉa mai”.
Chính quyền khu vực đã tuyên bố bắt buộc sơ tán dân thường khỏi gần mặt trận Kupyansk vào đầu tháng này do các cuộc pháo kích hàng ngày của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ukraine, ông Lozhenko cho biết khoảng 600 người đã được sơ tán khỏi khu vực trong 10 ngày qua, trong đó có hơn 120 trẻ em.
Nhưng những gì bây giờ là một cuộc sơ tán bắt buộc, ông nói, “ít nhất là đối với các gia đình có trẻ em và những người bị suy giảm khả năng vận động, những người không thể tự chăm sóc bản thân”.
Nga luôn phủ nhận việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc xung đột Ukraine.

Mỹ tăng đáng kể sản lượng đạn pháo 155mm để cung cấp cho Ukraine
Theo Washington Post, Mỹ đang tăng đáng kể việc sản xuất đạn pháo 155mm để cung cấp đủ số lượng vũ khí cho Kiev vì chiến dịch phản công sẽ chỉ có hiệu quả nếu lực lượng của Ukraine vượt qua được tuyến phòng thủ của Nga.
Kể từ tháng 2/2022, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng sản xuất đạn pháo 155mm trị giá 2,26 tỷ USD, giúp tăng sản lượng của Mỹ từ 14.000 viên mỗi tháng trước cuộc xung đột lên khoảng 20.000 viên mỗi tháng. Sản lượng sẽ sớm đạt 28.000 viên mỗi tháng và đến mùa thu năm 2025, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên một triệu quả đạn mỗi năm.
Các quan chức Mỹ từ chối nêu rõ số lượng đạn pháo sẽ được chuyển đến Ukraine.
Nhiều công ty tham gia sản xuất đạn. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất.
Cho đến nay, các quan chức Mỹ hy vọng rằng các loại bom, đạn chùm đã cung cấp cho Ukraine sẽ giúp duy trì đà phát triển cho đến khi có thêm các loại đạn thông thường được sản xuất. Các quan chức cho biết trong tương lai gần, phạm vi đạn dược gửi tới Ukraine sẽ bao gồm nhiều loại đạn chùm hơn.
Bộ Quốc phòng Mỹ muốn giúp Ukraine và các đồng minh của họ “đuổi kịp” vào mùa đông.
Một số hợp đồng nhằm bổ sung nguồn cung cấp của Hoa Kỳ hoặc sản xuất vũ khí cụ thể cho Ukraine đã được hoàn thành trong 30 ngày hoặc ít hơn, bao gồm các thỏa thuận sản xuất UAV Switchblade và Phoenix Ghost và hệ thống phòng không NASAM. Các hợp đồng cung cấp đạn dược kéo dài nhiều năm cũng lần đầu tiên được ký kết.

Đan Mạch cung cấp 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine
TASS đưa tin, Copenhagen sẵn sàng cung cấp 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev, trong đó 6 chiếc đầu tiên sẽ đến Ukraine trước cuối năm nay, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết hôm 20/8.
“Đan Mạch sẽ tặng 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine”, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng cùng với Hà Lan, Đan Mạch đang đứng đầu liên minh huấn luyện quốc tế về máy bay chiến đấu F-16. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Jakob Ellemann-Jensen, quyết định này được đa số các đảng phái trong quốc hội Đan Mạch ủng hộ.
Tuy nhiên, Bộ lưu ý rằng việc chuyển giao máy bay phản lực F-16 cần có sự cho phép của Mỹ. Họ cũng nói rằng việc cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine sẽ được tiến hành dần dần để không ảnh hưởng đến kế hoạch tiếp nhận máy bay chiến đấu F-35 của Đan Mạch.
Theo Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Đan Mạch hy vọng sẽ cung cấp 6 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine vào cuối năm nay hoặc đầu năm mới, thêm 8 máy bay chiến đấu sẽ được cung cấp vào năm 2024 và 5 chiếc nữa – vào năm 2025. Bà cũng cho biết 70 phi công Ukraine đang được đào tạo để vận hành F-16 ở Đan Mạch.
Đan Mạch có khoảng 30 máy bay chiến đấu F-16 và sẽ được thay thế bằng tiêm kích tàng hình F-35 mua từ Mỹ.

Đức không vội vàng phê duyệt chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine
Sputnik đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bình luận ngày 20/8 rằng, chính phủ của ông không vội vàng phê duyệt việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine vì lo ngại sẽ kéo NATO vào cuộc chiến với Nga.
“Điều chúng tôi không muốn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine… phát triển thành cuộc chiến giữa Nga và NATO,” ông nói trong một sự kiện ở Berlin để trả lời câu hỏi về lý do Đức trì hoãn quyết định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus, có tầm bắn 500 km cho Kiev.
Thủ tướng Scholz nói với một đài truyền hình Đức trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng chính phủ của ông đang đánh giá khả năng thực hiện mong muốn của Ukraine. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành về việc liệu loại vũ khí này có thể được sửa đổi để Ukraine không thể tấn công bên trong lãnh thổ Nga hay không.

Phi công Ukraine bắt đầu huấn luyện trên máy bay chiến đấu F-16
CNN đưa tin hôm 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết các phi công Ukraine đã bắt đầu huấn luyện sử dụng máy bay F-16, đưa Kiev đến gần hơn với việc sở hữu một phần khí tài quân sự mà nước này cho là cần thiết để chống lại ưu thế trên không trước Nga.
“Việc đào tạo (trên F-16) đã bắt đầu”, ông Reznikov nói với truyền thông Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng ngoài các phi công, một số kỹ sư và kỹ thuật viên Ukraine cũng đang được đào tạo.
Reznikov nói rằng ông sẽ không nói ngày huấn luyện cuối cùng sẽ diễn ra khi nào nhưng lưu ý rằng “thời hạn huấn luyện tối thiểu là sáu tháng”.
Ông cho biết những giáo viên huấn luyện sẽ chỉ thông báo hoàn thành khóa đào tạo khi họ hài lòng rằng các phi công, kỹ sư và kỹ thuật viên đã thành thạo những kỹ năng mới được trang bị.
Hôm 20/8, trong chuyến thăm Hà Lan, Tổng thống Zelensky đã thông báo Kiev sắp nhận được 42 chiếc tiêm kích F-16.

Mỹ yêu cầu Ukraine “ít sợ rủi ro hơn”, tập trung toàn lực vào mặt trận phía Nam
Financial Times (FT) đưa tin, các quan chức Mỹ ngày càng thất vọng với cách Ukraine tiến hành phản công và hoài nghi về việc liệu Kiev có thể đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trong năm nay hay không.
Nhật báo của Anh cho rằng Mỹ đang thúc giục Ukraine tăng gấp đôi nỗ lực ở khu vực Zaporizhia thay vì dàn trải lực lượng quá mỏng dọc theo một chiến tuyến dài.
FT cáo buộc rằng những rạn nứt giữa các đồng minh đang bắt đầu gia tăng, với một dấu hỏi hiện đang đặt ra về khả năng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đảm bảo sự chấp thuận của quốc hội để tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.
Theo báo cáo, Washington và Kiev ban đầu dự kiến cuộc phản công sẽ bắt đầu vào mùa xuân và chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga trong mùa hè.
FT giải thích rằng quân đội Ukraine được cho là sẽ sử dụng các chiến thuật điều động vũ khí kết hợp của NATO mà quân đội của họ đã được những người ủng hộ phương Tây huấn luyện. Tuy nhiên, giữa những thất bại ban đầu, các lực lượng của Kiev đã quay trở lại các chiến thuật cũ hơn – khiến các quan chức ở Washington không hài lòng.
Bất chấp những thành tựu nhỏ mà lực lượng Ukraine đạt được gần đây, ngày càng có nhiều quan chức Mỹ đang chuẩn bị riêng cho một “cuộc chiến tiêu hao sẽ kéo dài sang năm tới”, FT phân tích.
Một điểm gây tranh cãi lớn giữa hai nước được cho là cách Kiev triển khai quân đội. FT viết: “Các quan chức Mỹ đã khuyến khích Ukraine ít sợ rủi ro hơn và dồn toàn bộ lực lượng của mình vào trục chính của cuộc phản công ở phía nam”.
Người Mỹ coi đây là lựa chọn khả thi duy nhất có khả năng mang lại cho Kiev một bước đột phá lớn, bằng cách cắt đứt cây cầu trên bộ của Moscow tới Crimea. Tuy nhiên, Kiev đang giữ gần một nửa lực lượng của mình ở phía Đông trong nỗ lực giành lại thành phố chiến lược Artyomovsk (Bakhmut).
Cũng trong ngày Chủ nhật, 20/8, Washington Post tuyên bố rằng cuộc phản công của Ukraine đang có “dấu hiệu chững lại”, đồng thời nói thêm rằng cơ hội của Kiev đang giảm dần trước khi điều kiện thời tiết bất lợi xuất hiện.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc phản công đang diễn ra đã khiến Ukraine thiệt hại 43.000 binh sĩ và gần 5.000 thiết bị quân sự.

Ukraine tung lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng vào phản công
Chuyên gia Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Mỹcho biết Ukraine đã điều lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng, do Lữ đoàn đổ bộ đường không số 82 tinh nhuệ dẫn đầu, tham gia trận chiến giành ngôi làng Rabotino của Zaporizhia.
Trước đó, tại đây, trên những cánh đồng bị bỏ hoang do điều kiện chiến sự, các lực lượng chiến đấu tốt nhất của Ukraine đã bị lực lượng phòng thủ Nga liên tiếp tiêu hao. Dựa trên thực tế chiến trường tại mặt trận này, rất có thể Lữ đoàn đổ bộ đường không số 82 của Ukraine cũng có thể chịu chung số phận.
Sau khi đưa các đơn vị dự bị chiến lược cuối cùng vào tham chiến, Ukraine không còn lực lượng quan trọng nào có sẵn để tiền hành phản công dọc theo chiến tuyến dài cả nghìn km.
Trong khi đó, ở phía ngược lại, Nga vẫn duy trì một lực lượng dự bị sẵn có gồm khoảng hơn 200.000 binh sĩ mới, được huấn luyện và trang bị tốt, sẵn sàng tham chiến.
Một khi số quân này được Nga đưa vào chiến đấu, Ukraine sẽ thiếu các nguồn lực cần thiết để chống lại cuộc tấn công, đây có thể là đỉnh điểm trong chiến dịch mà Moscow lên kế hoạch trước để đạt được kết quả khiến Ukraine sụp đổ trong khả năng duy trì chiến đấu trên bộ quy mô lớn.
