Khi hoa mận vào vụ chính, ngày cao điểm Lê Nguyên kiếm được 4-5 triệu đồng nhờ chụp ảnh cho khách, thu nhập cả tháng cao gấp ba lần bình thường.
Huyện Mộc Châu (Sơn La) đang vào mùa hoa mận nở đẹp nhất. Hai thung lũng có diện tích trồng mận lớn nhất, cũng nhiều người ghé thăm nhất là Nà Ka và Mu Náu, theo Cổng thông tin điện tử huyện.
Nguyễn Sơn, chủ một vườn mận tại Nà Ka, chia sẻ có hơn 10 vườn mở kinh doanh du lịch. Vào mùa hoa nở, trung bình mỗi ngày một vườn đón khoảng 100 khách. Dịp cuối tuần tăng gấp đôi, gấp ba. Khách đủ lứa tuổi, từ trẻ nhỏ theo bố mẹ đến cắm trại đến thanh niên, trung niên.
Lượng khách đổ đến đông, chủ yếu chụp ảnh cùng hoa mận nên dịch vụ chụp ảnh thuê phát triển theo. Theo Quang Kiên, nhiếp ảnh gia sống tại Mộc Châu, tháng cao điểm số lượng người chụp tăng 3-4 lần bình thường. “Có cả thợ ở những vùng gần đó như Vân Hồ, Thuận Châu và cả Hà Nội tới tác nghiệp”, Kiên nói. Nguyễn Sơn cho biết, số lượng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư mỗi ngày lên đến con số hàng trăm trên toàn thung lũng. Vào những tháng bình thường hoặc thấp điểm, người chụp chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Số lượng nhiếp ảnh gia tăng đột biến và thu nhập của mọi người cũng đều tăng. Quang Kiên cho biết mỗi ngày anh nhận hai ca, thu khoảng 2 triệu đồng. Nếu chụp đều đặn, vụ hoa mận anh thu về 40-50 triệu đồng. Có kinh nghiệm chụp hoa mận 4 năm, nhưng đây là lần đầu tiên Kiên chụp ảnh dịch vụ cho khách. Vì vậy, anh chưa có so sánh với những năm trước nhưng hài lòng với số tiền kiếm được. “Vào mùa cao điểm, tôi sẽ yêu cầu khách cọc trước một số tiền. Còn vào mùa thấp điểm làm việc trên tinh thần tin tưởng nhau”, anh nói.
Lê Nguyên, sống tại thị trấn Mộc Châu, có 5 năm gắn bó với nhiếp ảnh. Vào cao điểm cuối tuần, số khách anh nhận chụp lên đến 40 người một ngày. Đa số khách đi theo nhóm gia đình, 4-7 người. Nguyên cũng có những đoàn khách 30-40 người đặt lịch. Giá chụp ảnh của anh tùy vào thời gian, số lượng khách, trung bình khoảng 1-2 triệu đồng một buổi. Những ngày chụp ba ca (sáng, trưa, chiều), thu nhập có thể lên đến 4-5 triệu đồng. Còn vào các ngày khác trong tuần thu nhập cũng khoảng 1 triệu đồng. Trung bình, tháng cao điểm anh kiếm được gấp 2-3 lần tháng bình thường, và “cao hơn rất nhiều lần mùa thấp điểm”.
Một nhiếp ảnh gia địa phương khác, Bùi Văn Hiệp (Ngựa Hoang) cho biết vào ngày cao điểm, anh có thể chụp cho 10 khách, giá từ 400.000 đến 450.000 đồng một khách. Đây cũng là giá trung bình tại Mộc Châu, theo khảo sát từ VnExpress. Tổng thu nhập một ngày cao điểm của Hiệp khoảng 4 triệu đồng. Những ngày thường, thu nhập bằng một nửa. “Tôi kiếm được số tiền cao gấp ba lần tháng thấp điểm, gấp đôi những tháng bình thường”, anh nói.
Còn với Nguyễn Mộc Đức, 30 tuổi, nhiếp ảnh gia nghiệp dư, thu nhập của anh khi chụp hoa mận không quá cao như các đàn anh. Chụp ảnh với anh là nghề tay trái, và chỉ chụp vào các ngày cuối tuần nhưng thu nhập cũng tăng 10 triệu đồng so với các tháng không có hoa. “Như vậy là quá tốt rồi”, anh nói.
Theo Quang Kiên, trào lưu thuê chụp ảnh ở Mộc Châu có từ lâu. “Ngày trước chủ yếu là thợ dạo đứng ngay tại các điểm du lịch chụp rồi in ảnh trả khách. Phong trào thuê thợ chụp ảnh kỹ thuật số chỉ nở rộ trong khoảng 3-4 năm trở lại do sự phát triển của mạng xã hội và hiệu ứng truyền miệng của khách”, Kiên nói.
Thiên An, du khách đến từ Hà Nội, cho biết thuê thợ đương nhiên ảnh sẽ đẹp hơn tự chụp. Nhiếp ảnh gia sẽ tư vấn về trang phục, cách tạo dáng và dẫn đến những vườn hoa đẹp nhất. Khách chỉ cần chuẩn bị đồ để có ảnh đẹp. Ngoài ra, chi phí một bộ ảnh là 500.000 đồng hai tiếng, theo Thiên An “không đắt” mà thành quả lại “siêu ưng, về ai cũng khen”.
“Chụp điện thoại cũng đẹp nhưng chụp máy chuyên nghiệp, có thợ chuyên nghiệp vẫn hơn. Mất công lên tận vườn mận chơi nên tôi muốn đầu tư một chút để có bộ ảnh về làm kỷ niệm”, An nói.
Thu Nga, một du khách khác, cho biết việc tìm thợ “rất đơn giản”. Cô lên các hội nhóm, đọc bình luận về Mộc Châu, các thợ ảnh đẹp, có tiếng rồi vào trang cá nhân của họ để xem các bức ảnh mẫu. Nếu thấy phong cách của thợ phù hợp với mình, cô sẽ liên hệ rồi đặt lịch chụp ảnh.
Tuy kiếm được nhiều nhưng đây cũng là tháng các thợ ảnh vất vả nhất vì phải hoạt động hết công suất. Quang Kiên sau gần một tháng chụp ảnh đã đen đi trông thấy. “Từ ngày đi chụp ảnh đến giờ, câu tôi nhận được nhiều nhất là sao dạo này nhìn đen thế. Để có được những bức hình đẹp cho khách, thợ phải chụp vào những thời điểm nắng gắt nhất trong ngày. Vào buổi sáng là 8-11h, chiều từ 14h-17h”, Kiên nói. Công việc nhiều, anh phải di chuyển liên tục và đứng lâu dưới cái nắng gắt.
Lượng khách đông, nhưng thời gian đẹp để chụp hoa có hạn, quãng đường di chuyển từ nơi nghỉ của khách (đa số nghỉ ngoài thị trấn) tới điểm chụp xa, nên thợ ảnh một ngày cũng không thể chụp được quá nhiều. “Ngày đông khách thu nhập cao hơn nhưng phải thức khuya dậy sớm, làm hậu kỳ cho khách, ăn uống thất thường”, Lê Nguyên nói.
Còn với Bùi Văn Hiệp, khó khăn nhất với anh khi chụp ảnh mùa này là thời tiết. Có những ngày nắng gắt vẫn phải chụp xuyên trưa. Những ngày mưa đường đi lầy lội, anh vừa chụp ảnh vừa lo bảo quản máy không bị ướt. “Những ngày này, tôi thường bận từ 7h đến 18h, chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi lại làm hậu kỳ đến 2h sáng. Nhưng bù lại kiếm được nhiều nên tôi cũng có động lực hơn”, Hiệp nói.
Huyện Mộc Châu có khoảng 1.300 ha trồng mận. Từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 hằng năm, hoa mận nở rộ và đẹp nhất. Nhờ vị trí gần Hà Nội, và thuận tiện di chuyển (cách khoảng 180 km, đường đẹp), nên Mộc Châu hiện thu hút lượng lớn khách đến cắm trại, chụp ảnh.